Lên rừng xem người Mông làm du lịch

Không chỉ là có vai trò cung cấp nguồn sống, bảo vệ con người khỏi thiên tai, bão lũ, rừng còn mang lại giá trị kinh tế rất lớn.
Giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng có thể đem lại lợi ích kinh tế rất lớn /// Ảnh: Trần Đại

Giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng có thể đem lại lợi ích kinh tế rất lớn
ẢNH: TRẦN ĐẠI

Anh hùng giữ rừng 

Những năm gần đây, câu chuyện người Mông thuộc 2 xã Hang Kia và Pà Cò của huyện Mai Châu (Hòa Bình) tăng cường bảo vệ rừng, gắn với phát triển du lịch sinh thái, trở thành hình mẫu trong công tác quản lý rừng của các địa phương.

Chuyên trang huyện Mai Châu (Báo Hòa Bình) đã có nhiều bài viết khắc họa chân dung "anh hùng giữ rừng" Khà A Lứ - người đã có công chăm chút, biến cả một cánh rừng nguyên sinh rộng hàng trăm ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Nhà ở dưới chân núi Rồng (đường lên Hang Kia), anh Khà A Lứ chia sẻ gia đình anh là hộ đầu tiên của xã Hang Kia được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên giao quản lý, bảo vệ hàng trăm ha rừng nguyên sinh ngay phía sau nhà. Trước đó, dù không được ai giao trách nhiệm nhưng A Lứ nghĩ rừng là của Nhà nước nên đã tự bảo vệ. Sau này, khi chính thức được giao trọng trách quản lý, Khà A Lứ đã chủ động bảo vệ "tài sản” của mình bằng cách đến từng nhà, gặp từng người nói cho họ nghe, hiểu rằng không được chặt phá rừng. Không chỉ tuyên truyền, vận động anh em, họ hàng trong xóm, bản, Khà A Lứ và vợ là Vàng Y Mại còn cất công đến cả các xóm: Pà Cò Con, Pà Háng Con, Pà Háng Lớn... của xã Pà Cò để tuyên truyền, vận động bà con không lên rừng chặt cây, lấy gỗ, lấy củi...
Theo lời kể của anh Lứ, người Mông vốn ở trên núi cao, sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cho cây lấy gỗ để dựng nhà, làm cái tủ, cái ghế. Mùa đông đến, nếu bếp không có than hồng, không có củi thì người già, trẻ con không có củi sưởi ấm nên bao đời nay, người Mông vẫn phải sống phụ thuộc vào rừng. Ban đầu, thấy vợ chồng Lứ đến ai cũng ghét, cũng lảng tránh. Bởi, "nhà Lứ đến nói toàn những chuyện không ưng cái bụng”. Khi ấy, chỉ có hai vợ chồng nhà Lứ đứng về một phía với quan điểm sống có trách nhiệm hơn với rừng. Còn ở phía đối ngược với họ là cả... cộng đồng dân bản. May mắn là những người già, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã đã hiểu, đồng tình với cách nghĩ của vợ chồng nhà Lứ.

Từ sự đồng cảm đó, cùng với gợi ý của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, hai vợ chồng Khà A Lứ đã quyết định làm du lịch, biến khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ, hoa quý như phong lan, đỗ quyên cổ thụ, thông Pà Cò... thành điểm du lịch sinh thái, tuyến đi bộ trải nghiệm trekking. Chỉ khi người ta nghe thấy, nhìn thấy thì người ta mới tin vợ chồng nhà Lứ đang làm đúng.

Kết quả, bình quân mỗi tháng, điểm du lịch của vợ chồng Khà A Lứ đón tiếp hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Trong số khách đến đây có cả người dân địa phương. Họ đến để được xem, được nghe, được trải nghiệm về câu chuyện giữ cho rừng mãi xanh tốt của vợ chồng A Lứ ở chính quê hương mình.

"Để giữ gìn cảnh quan nguyên sơ, chúng tôi đề ra quy định với khách là tuyệt đối không được xả rác bừa bãi. Bạn mang cái gì lên núi thì sẽ phải mang cái đó về. Tất cả rác sẽ được thu gom dưới chân núi. Chúng tôi khuyến khích mọi người có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường. Bất kỳ ai có hành vi xâm hại, dù chỉ lấy một cành hoa, hay một cây phong lan từ trên núi xuống, đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của khu du lịch. Chúng tôi cũng chỉ cho lượng khách nhất định lên núi, chứ không vì chạy theo lợi nhuận mà để việc kinh doanh du lịch làm ảnh hưởng tới rừng” - Khà A Lứ chia sẻ.

Từ mô hình giữ rừng làm du lịch bền vững của người đàn ông dân tộc Mông - Khà A Lứ, rất nhiều chính quyền và người dân các địa bàn khác, không chỉ tại Hòa Bình mà các tỉnh vùng cao khác cũng áp dụng công thức để làm theo.
 Lên rừng xem người Mông làm du lịch - ảnh 1

Du lịch gần gũi với thiên nhiên đang ngày càng trở thành xu hướng được các bạn trẻ ưa chuộng

"Rơi vào lưới tình" với du lịch trekking 

Câu chuyện giữ rừng làm du lịch không còn chỉ là lý thuyết bởi thực tế, du lịch trải nghiệm, gắn với thiên nhiên, du lịch dã ngoại (trekking) đang ngày càng trở thành xu hướng mới của các tín đồ du lịch.

Trên trang Facebook "Sinh ra để hoang dã", gần 30.000 thành viên mỗi giờ, mỗi ngày đều "đua nhau" chia sẻ những điểm đến, trải nghiệm của mình về những chuyến du lịch trekking, với niềm đam mê và hứng khởi mãnh liệt.

Liên tục đăng tải rất nhiều hình ảnh về những chuyến trèo đèo, lội suối, chinh phục rừng từ những mảnh đất Tây nguyên cho tới vùng cao Tây Bắc, L.M.H (30 tuổi) cho biết mình đam mê "phượt" từ rất lâu rồi nhưng mới đây mới biết đến group này trên Facebook để cùng chia sẻ kinh nghiệm và tình yêu thiên nhiên với mọi người. Theo H, không phải những người vốn yêu thiên nhiên mới tìm đến trekking mà nhờ những chuyến trekking mới nhận ra được vẻ đẹp của thiên nhiên, của những ngọn núi, cánh rừng, yêu nó và mê nó từ lúc nào không biết.

"Sống một cuộc sống không nhiều khói bụi, sự ồn ào của nơi phố xá thành thị, mình cảm nhận được nhiều thứ lắm. Tình yêu thiên nhiên, con người, xã hội, phong phục... Rất nhiều. Có nhiều người hỏi tại sao không đi du lịch nghỉ dưỡng hoặc đi tour nhẹ nhàng mà lại chọn đi theo kiểu hơi hành xác vậy, mình im lặng mỉm cười và trả lời: Đây không phải là hành xác. Đây là cách mà mình có thể gần vào thiên nhiên và gần gũi nhất mà bản thân có thể cảm nhận được" - chàng trai 30 tuổi trải lòng.

Gần nửa cuộc đời gắn bó với ngành du lịch, ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn thừa nhận mình "mê" khách sạn 5 sao, "mê" những dịch vụ đẳng cấp, "mê" du lịch hưởng thụ nhưng cũng chỉ vì một lần "trót thử" mà cũng "rơi vào lưới tình" với trekking.

Trở thành đối tác với TropiAd - công ty chuyên thực hiện các tour Trekking & Camping ở 2 loại địa hình rừng và biển, ông Sơn đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong nhận thức cũng như xu hướng về thiên nhiên của mọi người. Ra mắt cách nay 3 năm, TropiAd ghi nhận lượng khách chưa nhiều vì loại hình này khá mới mẻ với người Việt. Đối tượng chủ yếu là thị trường ngách, những người có đam mê với thiên nhiên hoặc khách nước ngoài vốn đã quen du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên chỉ một năm sau, lượng khách tìm đến với TropiAd đã tăng lên gấp đôi và ngày càng có xu hướng tăng thêm, đặc biệt là giới trẻ. Có cả đối tượng trẻ em cũng hưởng ứng nhiệt tình. 

Đặc biệt, với phương châm nhân rộng lý tưởng du lịch có trách nhiệm, mỗi khách tham gia tour của doanh nghiệp này sẽ tự trồng cho mình một cây xanh. Đây vừa là cách giúp mọi người nuôi dưỡng tình yêu với rừng, thấy được trách nhiệm với thiên nhiên, vừa chung tay đóng góp chương trình "Một tỉ cây xanh" của Chính phủ.

Phát triển du lịch biển, đừng quên du lịch rừng

Theo ông Sơn, dù biên lợi nhuận đối với doanh nghiệp khi khai thác loại hình du lịch này không cao nhưng đối với xã hội, nó đem lại lợi ích rất lớn. Không chỉ góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên, xây dựng các tuyến du lịch này còn là phương thức rất tốt để bảo vệ rừng. Doanh nghiệp, du khách sẽ là "tai mắt" phụ cơ quan chức năng quản lý rừng. Người dân địa phương cũng tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành các sản phẩm du lịch. Chính người dân bản địa là sẽ hướng dẫn viên, là đầu bếp, cung cấp các sản phẩm như gia vị đặc trưng vùng miền... giúp du khách đi sâu tìm hiểu văn hóa. Họ cũng có thể làm dịch vụ xe ôm, dẫn đường... Công việc ổn định, tạo thu nhập ổn định sẽ giúp người địa phương yêu rừng hơn, có trách nhiệm, bảo vệ và giữ rừng.

"Chúng ta nói Việt Nam có rừng vàng biển bạc, nghĩa là nếu quản lý, bảo tồn, khai thác tốt, tài nguyên thiên nhiên sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Lâu nay, người ta chỉ chú trọng phát triển du lịch biển mà bỏ quên mất rừng. Một phần nguyên nhân cũng là do chưa có hành lang pháp lý khai thác rừng hoàn chỉnh, chưa có đủ năng lực quản lý rừng. Cùng với nhận thức của nhiều đối tượng người dân về tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm với môi trường sống xung quanh, cần kế hoạch bài bản về bảo tồn, khai thác và phát triển rừng một cách hiệu quả để giữ rừng, trồng rừng và thật sự biến rừng thành vàng" - vị này đề xuất.

Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã hình thành nhiều điểm du lịch nhà vườn, du lịch cảnh quan, sinh thái gắn với rừng như: Khu du lịch hồ Pá Khoang (xã Mường Phăng, TP.Điện Biên Phủ) rộng hơn 600 ha với những cánh rừng già và những bản làng trù phú; Khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn (bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng) diện tích khoảng 7 ha có những đồi cỏ tự nhiên, thác nước nhân tạo, đặc biệt là hơn 1.000 gốc đào cổ thụ như khu rừng mùa xuân độc đáo; Đỉnh Pha Đin lộng gió tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo và một số điểm du lịch nhà vườn khác tại các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên)... Cùng với quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, những khu du lịch này đã tạo nét chấm phá mới, bổ sung vào danh sách các điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong hành trình đến Điện Biên.

Cùng với khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên, đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã trồng được hơn 5.000 ha rừng, góp phần tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển du lịch xanh.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng là địa phương đầu tiên hưởng ứng chương trình này khi phát động kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh tại tỉnh, trong đó, có sự đồng hành của Novaland thông qua chương trình “Green Up Việt Nam - Triệu cây xanh cho cuộc sống bừng sáng". "Điểm sống xanh" tiếp theo trong kế hoạch của Novaland là Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong quá trình đồng hành, ngoài việc tài trợ bằng hiện kim, Novaland còn phối hợp các sở ban ngành của 3 tỉnh để tổ chức việc trồng và chăm sóc cây rừng, kết hợp teambuilding, ngày hội gia đình, thực hiện các chiến dịch truyền thông gây quỹ, nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa lối sống xanh đến toàn xã hội.

Tác giả bài viết: Thanh Niên