Xác định chiến lược mới cho du lịch Quảng Ngãi

(Baoquangngai.vn)- Du lịch Quảng Ngãi trong những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc. Song, so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì sự phát triển đó vẫn còn khá chậm. Nguyên nhân này không hẳn do thiếu vốn đầu tư. 
 
Còn nhớ, khi anh Võ Văn Thưởng về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, có lần tôi đã nói với anh: “Nên có một slogan cho Du lịch Lý Sơn. Đó là,  Du lịch vì lòng yêu nước. Như thế, sẽ thu hút được người Việt tới du lịch ở hòn đảo này”.
 
Đúng là sau đó không lâu, Lý Sơn đã thành điểm đến của lòng yêu nước, nhất là với người trẻ. Họ đến Lý Sơn không chỉ để thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp, để ăn những món hải sản độc đáo, mà tới hòn đảo này để biết Hoàng Sa chính là quần đảo của Việt Nam, để tìm hiểu về “Hải đội Hoàng Sa” lừng danh từ mấy trăm năm trước, để biết cha ông mình đã hy sinh như thế nào khi ra cắm mốc chủ quyền và gìn giữ hòn đảo này cho Tổ quốc Việt Nam.   
 

Những năm gần đây, đảo Bé, hòn đảo vốn khiêm nhường của Lý Sơn bỗng trở thành một điểm du lịch thu hút khách với mô hình homestay phục vụ khách tại nhà, thân tình, chu đáo, có trước có sau, khiến du khách một đi đã nhiều lần trở lại.
 
“Du lịch thân tình” là một hướng du lịch mà Quảng Ngãi nên nhân rộng, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thì dù phải ‘sống chung với Covid-19”, khách du lịch vẫn sẽ tìm đến để tận hưởng sự ấm áp, tình thân ái và những chăm sóc như với người nhà của những chủ homestay. Đảo Bé đã đi trước một bước, đã làm gương cho nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi có thể học tập mô hình “Du lịch thân tình” này cho chính địa phương mình.
 
Quảng Ngãi có bờ biển dài 130 cây số, có những vùng thiên nhiên biển còn hoang sơ và tuyệt đẹp. Đó là cái vốn rất quí cho du lịch hiện đại, khi du khách muốn khám phá những vùng đất còn hoang sơ, được tận hưởng thiên nhiên ở dáng vẻ tự nhiên nhất của nó. 
Bây giờ mà chỉ chăm chăm làm du lịch theo kiểu resort bê tông cốt thép, cứ quảng cáo theo hướng sang chảnh 4, 5 sao thì sẽ ế khách. Bởi đã chuyển tới thời kỳ du lịch mới, với những nhu cầu mới của du khách, mà trong đó sự thân thiện, tình yêu thương luôn đi cùng với thiên nhiên được bảo vệ và giữ được dáng vẻ tự nhiên của nó. Không chỉ thu hút khách nước ngoài, phong cách du lịch mới ấy thu hút rất mạnh khách trong nước, đặc biệt là những du khách trẻ. 
 
Quảng Ngãi nên đón trước xu thế này trong du lịch, để không giao đất bừa bãi cho một số doanh nghiệp vẫn tư duy du lịch theo kiểu cũ. Vì ở xu thế mới này, người dân địa phương mới là chủ thể sáng tạo nên những hình thức giản dị, thậm chí tối giản phục vụ khách du lịch, với mức giá mà mọi du khách đều có thể hài lòng. 
 
Từ hình thức du lịch homestay gần gũi, ấm áp tới “du lịch thân tình” và “du lịch sinh thái” chỉ là một bước ngắn. Người dân hoàn toàn có thể sáng tạo trong khoảng ngắn này, để du khách luôn có cảm giác mình ăn ở ngay giữa lòng thiên nhiên, đồng hành với cái đẹp, và hài lòng vì cung cách phục vụ. 
 
Mà du lịch Quảng Ngãi, thì đâu chỉ ven biển hay hải đảo mới làm được nhưng hình thái du lịch thân tình và sinh thái, mà miền núi và những vùng bán sơn địa như Nghĩa Hành đều có thể tổ chức tốt những hình thái này, và đều có cơ sở để thu hút du khách.  
 

Để thiết kế được những tour ấy không tốn kém nhiều, nhưng khi thành công thì chúng ta được cả du lịch lẫn giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước một cách thù vị nhất, thu hút nhất. Những đặc sản của rừng núi Ba Tơ, từ sản vật của rừng tới ẩm thực mang màu sắc các dân tộc Ba Tơ cũng sẽ là những “trạm” trên con đường “Theo dấu chân người khởi nghĩa” hay “Chinh phục đỉnh Cao Muôn”. Mật ong thiên nhiên Ba Tơ sẽ là mặt hàng được du khách ưu tiên trong hành trình khám phá của mình, chẳng hạn.
 
Làm du lịch không phải chuyện ai làm nấy hưởng, mà sự hưởng lợi nhiều khi dành cho cà cộng đồng. Kinh tế vùng sẽ có cơ hội phát triển nhờ những hình thái du lịch cộng đồng như vậy.
 
Có một vùng thiên nhiên rừng núi đặc biệt hấp dẫn của Quảng Ngãi  chưa được khai thác là vùng núi Cà Đam. Đó là một vùng núi cao 1.500 mét có đặc trưng tiểu khí hậu thật đặc biệt, sẽ là điểm rất thu hút du khách nếu biết khai thác. Đường từ TP.Quảng Ngãi lên tới núi Cà Đam phải là đường thật tốt, còn từ chân núi lên đỉnh núi thì nên khai thác theo hai con đường: một đường dành cho phương tiện xe, và một con đường nhỏ khá hoang sơ dành cho người đi bộ lên đỉnh núi. Hình thái nghỉ dưỡng trên đỉnh núi vẫn là những homestay, kết hợp với những ngôi nhà nhỏ mà vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng đất, bằng tre, mây, lợp tranh, dành cho những du khách thích tự mình khám phá.   
 

Nội dung: THANH THẢO
Ảnh: TL
Trình bày: L.H


 

Tác giả bài viết: Báo Quảng Ngãi