Kết nối tuyến tàu biển Đà Nẵng – Lý Sơn: góc nhìn của một lữ khách

Trong thời gian gần đây, người dân tỉnh Quảng Ngãi đang khá quan tâm đến việc đề xuất của UBND TP Đà Nẵng và Bộ GTVT về việc mở tuyến tàu biển du lịch liên tỉnh nối Đà Nẵng với Cù Lao Chàm và Lý Sơn. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này, người ủng hộ cho rằng nên tham gia kết nối để thúc đẩy du lịch của tỉnh, người không ủng hộ lập luận rằng cho khách đến Lý Sơn trực tiếp từ Đà Nẵng là Quảng Ngãi tự tay san sẻ chén cơm cho người khác, đánh mất cơ hội đón khách, giảm thu nhập cho người dân trong khi năng lực vận chuyển khách của tỉnh thừa sức đáp ứng.

Mỗi người có một góc nhìn khác nhau; người dân nhìn vấn đề qua miếng cơm của họ; các cơ quan chức năng nhìn qua lăng kính quản lý & phát triển ngành. Có cái nhìn rộng, có tầm nhìn hẹp, có lập luận thấu đáo, có ý kiến cũng chưa thuyết phục. Với sở thích và chút kinh nghiệm xê dịch, tác giả thử nhìn vấn đề này dưới góc độ một du khách.

Đến Đà Nẵng làm cái chi rứa?
Phải nói ngay rằng Đà Nẵng có quá nhiều thuận tiện cho du khách, từ kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, ẩm thực. Kể ra cũng hiếm có thành phố nào mà hội đủ núi non, biển cả, sông ngòi trong cùng một thành phố. Vì vậy, loại khách nào cũng có thể tìm cho riêng mình một góc nào đấy của Đà Nẵng để vui chơi trong một vài ngày. Rứa là đủ hiểu hỉ, nói dông dài chi cho thừa thãi.
 
16402737 10155858509598009 761652839214073715 o
Nhìn là biết Hội An


Cù Lao Chàm có chi khác biệt?
Ai cũng biết Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên ưu điểm vượt trội của cù lao này là công tác bảo tồn thiên nhiên tốt. Du khách đến đây thì ai cũng ít nhiều ghé qua bảo tàng giới thiệu về bảo tồn rùa biển và các loài hải tộc của cù lao. Rất thú vị là giữa chập chùng sóng biển là một hòn đảo mướt mát màu xanh của rừng. Ý thức người dân về bảo vệ môi trường rất tốt (nhờ tâm huyết, công sức và sự kiên trì của nhiều người trong một thời gian rất dài), từ việc hạn chế rác thải nilon đến bảo vệ con cua đá, san hô và các loài cá rạn. Ý thức, lời căn dặn của người dân vô hình trung truyền cảm hứng cho du khách nên ai có lỡ tay chạm vào san hô vì tò mò cũng sẽ thấy áy náy. Ban quản lý có cơ chế thu mỗi khách lên đảo 70.000 đồng để triển khai các hoạt động bảo tồn; nghe đâu mỗi năm doanh thu lên đến con số vài chục tỷ đồng. Tự thu tự chi khoẻ re, còn đóng góp kha khá cho ngân sách địa phương nữa. Mà kết quả nhãn tiền tích cực như rứa thì góp thêm ít tiền du khách thấy cũng xứng đáng.

Khi mọi thứ đến mức chín muồi thì du lịch bắt đầu phát triển mạnh; nhưng khâu quy hoạch của CLC khá hợp lý nên lượng du khách lưu trú qua đêm trên đảo cũng vừa phải. Điều đặc biệt là CLC kiên định phát triển du lịch cộng đồng nên trên đảo không có khách sạn nào mà chỉ có homestay và nhà nghỉ quy mô hộ gia đình. Du khách ở lại trên đảo ban đêm sẽ cảm nhận được cuộc sống yên bình, thư thái giữa trời nước mênh mông. Tuy nhiên, phải thừa nhận lượng khách lên đảo vào ban ngày tăng chóng mặt, khiến hòn đảo đang oằn lưng và khiến du khách cũng oải.

Với tôi, Cù Lao Chàm còn đọng lại là những sản phẩm nghề thủ công. Những chiếc võng bằng sợi tước từ thân cây ngô đồng hay những cái bánh bánh xu xê kèm những câu chuyện của những nghệ nhân kể chậm rãi trong nhịp bỏm bẻm nhai trầu khiến cho Cù Lao Chàm cứ mắc lại luôn trong trí nhớ của du khách.
 
20690372 10156605798718009 8781862995716709990 o
Cụ bà nghệ nhân đan võng từ sợi cây ngô đồng ở CLC. Cực kỳ ấn tượng!


Lý Sơn có quá xa?
Không mà có! Mười lăm hải lý với 40 phút ngồi tàu thì cũng chả phải quá xa. Ấy, nhưng đó là thời gian di chuyển trên biển thôi. Chớ nếu từ ngoài lãnh thổ mà hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng là thấy nhiêu khê rồi, là thấy xa lắc lẻo rồi. Giả sử khảo sát bao nhiêu du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ để ra Lý Sơn; dám cá là kết quả không đến 1%. Lý Sơn xa vậy đó!

Thử giả bộ làm một du khách nước ngoài coi, thấy ngay điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông là rào cản đầu tiên. Sân bay Chu Lai chưa phải là cảng hàng không quốc tế; hạ cánh xuống Đà Nẵng rồi mất chừng 4-5 tiếng mới có thể đặt chân lên đảo với chi phí không hề rẻ chỉ để lưu lại … 1 đêm? Lý Sơn có gì đặc biệt đến mức đó chăng? Hỏi rồi tự trả lời đi. Thử làm bộ quên tiếng Việt, từ Hà Nội hay Sài Gòn bay tới Chu Lai rồi làm thế nào để ra đảo cũng là một sự rất chi là rối rắm, đào đâu ra người nói dăm ba câu xí lô xí là, mà thông tin bằng tiếng Anh trên mạng thì gần như không có hoặc không hiệu quả. Nếu tôi là một thằng du khách có chút tiền, có chút thời gian mà bảo tự tìm hiểu thông tin để đi chơi đảo thì Lý Sơn thì sẽ rất nhiều e ngại, thật đấy.

Không muốn tự túc thì đặt tour! Tới Đà Nẵng mà muốn mua tour đến Lý Sơn hả? Coi bộ khó à! Cái tour 2 ngày 1 đêm đi Lý Sơn sẽ gồm quá nhiều thời gian là di chuyển, ít thứ thoả mãn nghe nhìn và chi phí sẽ rất cao. Chắc chả ai đi một cái tour riêng Lý Sơn như vậy.

Quay lại câu hỏi ở trên, Lý Sơn có gì đặc biệt cho một du khách bình thường? Cảnh biển đảo ư? Ừ thì cũng đẹp! Trời xanh, cát trắng, nắng vàng, nước xanh ngọc ư? Hỏi lãng xẹt! Đảo cách xa đất liền thì trời nào chả xanh, nước không xanh ngọc thì còn màu gì khác được? Nói thật nhé, mấy cái yếu tố đó nghe chả hấp dẫn gì hết á! Hầu hết các tour dẫn khách ở Quảng Ngãi đều cố tận dụng thời gian check in nhiều điểm nhất có thể nên chỉ cưỡi ngựa xem hoa, không còn thời gian mà sống chậm. Lấy một ví dụ giếng cổ người Chăm ở Cù Lao Chàm thì khách nào đến CLC cũng đều biết, đều ghé, thậm chí thử uống; giếng Xó La ở Lý Sơn thú vị vậy, nhưng mấy người khách đến Lý Sơn biết đến? Đến lúc lên tàu về đất liền thì ngoài những tấm ảnh na ná nhau ra, cảm xúc đọng lại gần như chẳng có gì. Nên nếu hỏi có quay lại đảo không thì câu trả lời phần lớn sẽ là không! Lý Sơn xa xôi quá!

Ngoài sản phẩm hành tỏi thì nét văn hoá phi vật thể, nghề thủ công, ẩm thực gần như không hiện hữu trong mắt du khách (dù ai cũng nói rằng Lý Sơn lưu giữ nhiều tầng văn hoá).
 
51492352 10158265657278009 7133494010647150592 o
Nét văn hoá ở Lý Sơn 


Túm lại mỗi nơi có một kiểu, thằng du khách là tôi cứ trông đợi rằng Đà Nẵng có bãi biển đẹp, giao thông thuận tiện, nhiều hoạt động sôi động về đêm thì Hội An tĩnh lặng hơn, Cù Lao Chàm là nơi thư giãn thì Lý Sơn là nơi trải nghiệm về văn hoá biển đảo. Nếu tuyến du lịch biển này mở ra là thêm một lựa chọn đáng giá cho du khách; tuỳ vào quỹ thời gian và hầu bao mà tôi có thể chọn một vài hay tất cả những điểm dừng chân trên tuyến này, như một bàn ăn có nhiều món khác nhau, nhiều sắc màu, trải nghiệm bằng nhiều giác quan cho phong phú mà lại tiện lợi, chi phí vừa phải, tiết kiệm thời gian.

Lạm bàn thêm xí. Như vậy, ý tưởng kết hợp Đà Nẵng với Cù Lao Chàm và/hoặc Lý Sơn sẽ tạo ra kha khá sự thuận tiện cho du khách, thêm một phương án để lựa chọn. Dĩ nhiên, việc xây dựng và quản lý tuyến thế nào cho hiệu quả, việc điều phối và chia sẻ trách nhiệm giữa các tỉnh, làm thế nào để ‘móc túi’ du khách được nhiều hơn, để tăng thu nhập cho các địa phương và người dân từ du lịch một cách bền vững là việc của các cơ quan chuyên môn của các tỉnh. Họ phải thật sự cầu thị, thật sự phải nghĩ thoáng (think out of the box), phải cởi bỏ cái tôi thì mới mong hợp tác hiệu quả để tạo ra một sản phẩm nhiều màu sắc, phong vị cho du khách đến mảnh đất miền Trung.

Tác giả bài viết: Dzũng Nguyễn