Kiril Grudin (55 tuổi), đến từ Bulgaria, sinh sống và làm việc tại Việt Nam 30 năm. Tháng 1/2021, ông đi xuyên Việt từ TP HCM đến các tỉnh Tây Bắc và chiều ngược lại trong 22 ngày. Trong chuyến đi, Kiril có dịp trở lại Sa Pa, nơi ông từng đến tìm hiểu ngôn ngữ của người Mông cách đây 26 năm, khi còn là sinh viên ngành Ngữ Văn, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
"Sa Pa trong ký ức của tôi là một nơi rất đẹp, có thiên nhiên hùng vĩ, kiến trúc cổ kính, có nhiều người dân tộc. Tôi đã rất vui khi được quay trở lại nhưng cũng bất ngờ khi nơi đây đã thay đổi nhiều, khác hẳn", ông chia sẻ.
Trong ký ức của Kiril, cách đây 26 năm hệ thống đèn điện ở Sa Pa còn chưa phát triển, nay các con phố đã được thắp sáng lung linh. Trung tâm thị trấn ngày nay bụi bặm, không còn sạch như trước. Các khách sạn lớn ở trung tâm cũng che khuất vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.
Kiril Grudin tại một quán đồ nướng ở trung tâm Sa Pa. Ảnh: NVCC
Kiril cũng nhớ chợ phiên của những người dân tộc, nơi họ mang hàng hóa tự sản xuất đến để trao đổi. "Bây giờ chợ của người dân tộc đã bị thương mại hoá, đường xuống bản Cát Cát có nhiều cửa hàng, quán ăn. Dù buồn, nhưng tôi hiểu điều này là tất yếu khi đời sống phát triển", nam du khách nói. Ông nhận thấy những người bán hàng mặc quần áo truyền thống nhưng đẹp hơn và ít có tình trạng chèo kéo khách.
Trước đây, trong lần đến Sín Chải gặp trưởng bản để lấy tư liệu về tiếng người Mông, Kiril đã hỏi về đường xuất phát đi Fansipan. "Khi đó đường lên núi là đường mòn, phải đi bộ khó khăn. Ông mời tôi xuống suối, chỉ vào một hòn đá rất to giống như một con rùa. Đầu con rùa hướng vào con đường mòn nhỏ, là đường lên đỉnh Fansipan", ông cho biết. Kiril đánh giá, việc xây dựng cáp treo giúp đông đảo du khách tiếp cận đỉnh Fansipan, nhưng phần nào làm thay đổi cảnh quan.
Du khách mang cờ tổ quốc lên đỉnh Fansipan. Ảnh: NVCC
Lên đỉnh Fansipan, Kiril đợi khoảng 30 phút để có thể chụp ảnh với cột mốc. Ông vô cùng ấn tượng khi thấy nhiều người Việt mặc áo cờ đỏ sao vàng và mang quốc kỳ lên đỉnh Fansipan chụp ảnh. "Tôi cảm nhận được sự tự hào của họ với lá cờ tổ quốc và đất nước mình", ông nói.
Ngoài ra, Kiril thấy lạ khi trên đỉnh núi rất lạnh nhưng nhiều phụ nữ mặc váy ngắn như đang đi chụp cho các tạp chí thời trang. Trong khi đó, người Bulgaria đi lên núi thường ăn mặc hoà hợp với thời tiết và thiên nhiên.
Tuy có nhiều thay đổi, Kiril vẫn cho rằng Sa Pa đẹp và có nét cổ kính riêng. "Đi xa trung tâm khoảng 4 - 5 km về các bản, tôi thấy người dân vẫn ở nhà gỗ truyền thống, có bếp lửa giữa nhà, vẫn là khung cảnh ruộng bậc thang, núi non hùng vĩ. Nơi đây trước nay và bây giờ vẫn luôn an toàn, không có trộm cắp và người dân vẫn rất đoàn kết", ông cho biết.
Kiril quay trở về bản xưa để tìm hòn đá hình con rùa nhưng không thấy. Ông đoán do mình không nhớ đường hoặc cảnh quan đã thay đổi do dòng chảy. Ảnh: NVCC
Đăng lại từ vnexpress.net, đường dẫn bài viết: