Tái tạo màu xanh cho rừng

Với mục tiêu tạo nơi nghỉ chân cho du khách, mà lại mong muốn kiến trúc hài hoà với thiên nhiên và văn hoá bản địa nên phương án duy nhất khả thi là sử dụng tối đa những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương. Thật ra, ngoài những vật liệu rất phổ biến như cau, tre, lồ ô, nứa, cỏ tranh thì gỗ là vật liệu không thể thiếu, mà phải là gỗ tự nhiên mới dựng được cột, đà, giàn trò để chịu lực; chứ gỗ công nghiệp không đáp ứng được. Mà thuê người cưa gỗ thì vô hình trung tiếp tay cho phá rừng – điều mà nhóm Dak Drinh Lodge (DDL) không cổ suý.

Phương án được đặt ra là mua lại nhà cũ của người dân không dùng nữa để tận dụng những phần còn dùng được; dù theo phương án này thì sẽ tốn khá nhiều công để chỉnh sửa, cắt gọt, bào chà để có thể tái sử dụng. Phương án khác là nhờ người gom ‘gỗ rều’ (cây bị gãy đổ trên rừng, trôi xuống sông, hồ sau những mùa lũ). Vì là gỗ góp nhặt nên một căn nhà dựng lên có đủ các loại gỗ, các loại màu sắc và thường có mùi chua thum thủm của gỗ ngâm nước lâu ngày.
 
4edf2405839172cf2b80
Gỗ rều góp nhặt sau mùa lũ 


Có điều đáng buồn là như các huyện miền núi khác của Quảng Ngãi, diện tích rừng tự nhiên của Sơn Tây gần như không còn. Rừng trồng cây gỗ cũng rất hiếm hoi mà thay vào đó là rừng keo. Những đồi keo sau vài năm lại thu hoạch để lại những quả đồi trọc lốc, như những vết thương của rừng núi. Đau lòng, xót dạ vô cùng!
 
image5 (2)
Chuẩn bị tạo ra một đồi sim nho nhỏ 


Ngay từ khi xác định chọn Sơn Tây làm nơi gắn bó lâu dài, DDL tâm niệm phải ưu tiên trồng cây, trong đó có cây tạo gỗ, hi vọng góp một phần nhỏ tái tạo màu xanh bền vững của núi rừng. Đến nay, ngoài cây cau là biểu tượng của Sơn Tây, những cây ăn quả tạo vườn hay những loài hoa dại như sim để tạo cảnh thì DDL đã và đang trồng những loại cây thân gỗ lâu năm như sao đen, dầu rái, long não và giáng hương.
 
image3 (2)
Những ngày giáp Tết, trong khi mọi người tất bật chở hoa quả, bánh mứt thì em đi chở cây về nhà 
 
9f702a291a65e93bb074
Chuyển cây về DDL những ngày giáp Tết bằng thuyền 


Nhiều người đã đùa: “Trồng mấy thứ cây đó mãn kiếp cũng chưa thu được.” Đúng là trong hoàn cảnh ‘tay làm hàm nhai’ thì việc trồng cây ngắn ngày là ưu tiên, và việc trồng cây mà vài chục năm mới bán có tiền là việc xa vời quá. Nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay thì vài chục năm sau cũng chẳng có cây, chẳng còn rừng. Hơn nữa, giá trị vô hình từ việc trồng cây là bóng mát, là bảo vệ nguồn nước, là không khí trong lành, là ‘mát con mắt’ có khi còn đáng giá hơn giá trị vật chất của cây.

Chúng tôi vẫn còn dành đất cho bạn góp sức tái tạo màu xanh đấy. Đến nhé!
 

Tác giả bài viết: DDL