Nét văn hoá Cadong

Người Cadong vẫn còn gìn giữ nhiều nét văn hoá truyền thống. Các lễ hội như đâm trâu, cúng máng nước, cúng lúa mới … vẫn được tổ chức thường xuyên. Phong tục sinh hoạt, canh tác cũng còn nhiều bản sắc riêng. Hãy tôn trọng những bản sắc truyền thống của người dân địa phương. Cũng đừng quá lo lắng rằng sẽ phạm phải kỵ huý, nếu bạn chân thành, cởi mở thì người dân cũng sẽ vui vẻ mở lòng với bạn.

Một số tục lệ thú vị của đồng bào Cadong mà chúng tôi quan sát được (sẽ còn tiếp tục cập nhật).

Ăn Tết. Thực ra nên gọi là ăn cơm mới. Theo người dân kể, người Cadong trỉa lúa trời hoặc trồng lúa rẫy (gạo đỏ), đến khoảng cuối tháng 11 bắt đầu thu hoạch. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài đến đầu tháng 1. Khi cắt lúa về, họ đem giã và tổ chức ăn cơm mới (chứ không có lịch cụ thể ngày nào). Thời gian này vào làng xóm của người Cadong thường nghe tiếng giã gao thình thịch (một số nơi hiện đã có máy xay lúa). Những gia đình khá giả có chiêng sẽ đem chiêng ra đánh khi cúng lúa mới. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh lễ ăn cơm mới, phần lớn người Cadong đã đón Tết theo lịch của người Kinh. Lý do chính có lẽ nằm ở chính sách về lịch làm việc, nghỉ lễ của nhà nước hoàn toàn theo lịch của người Kinh (!). Lý do khác khiến dần càng ít gia đình Cadong tổ chức ăn cơm mới là diện tích đất canh tác lúa ngày càng bị thu hẹp, nhường cho các loại cây trồng 'bán được tiền' như keo, mì và cả những dự án khác.

Kiêng ăn uống nhà khác sau khi tất niên. Dịp gần Tết, sau khi gia đình người Cadong tổ chức tất niên (khoảng 28, 29 tháng Chạp), họ vẫn đến nhà khác dự tất niên nếu được mời nhưng sẽ không ăn cơm hay thức ăn, cũng không uống rượu hay bia. Gia chủ sẽ biết ý và mời bánh kẹo và nước chè. Và họ chỉ kiêng ăn uống ở nhà khác 1 ngày sau khi tổ chức tất niên ở nhà mình thôi. Không rõ nguyên nhân cụ thể của tục lệ này.
 
image1 (19)


Cúng ma nước. Đồng bào Cadong vẫn duy trì niềm tin và sự kính cẩn đặc biệt với các đấng siêu nhiên. Một ví dụ thường gặp là dù chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ y tế cho người dân và đa số người dân cũng đến bệnh viện để được khám, chữa bệnh nhưng mỗi khi gia đình có người ốm đau thì họ vẫn giết gà cúng ma nước. Tiết gà được bôi lên cây lồ ô làm phép và cắm ở cạnh suối (để ma nước đi lên xuống dòng nước ăn gà mà tha cho người). Những trường hợp ốm nặng thì có thể phải cúng heo.

Không dùng ngói cũ. Hay chính xác hơn là không dùng ngói cũ của những nhà đã tổ chức đâm trâu. Không rõ nguyên nhân của tục lệ này! Sau vài năm, người dân lại thay mái ngói. Ngói cũ nếu còn khá tốt sẽ được người khó khăn hơn xin dùng lại; nhưng riêng những nhà đã tổ chức đâm trâu thì ngói và vật dụng không được dùng để lợp nhà nữa.

Kiêng cữ trong mùa lúa rẫy. Trong khi ở một số địa phương khác việc trồng lúa rẫy không còn phổ biến (hoặc vì lý do hiệu quả kinh tế, hoặc vì địa phương không khuyến khích do việc đốt dọn rẫy) thì việc trồng lúa rẫy còn khá phổ biến ở huyện Sơn Tây (thường bắt đầu từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 (vào mùa mưa giông) và mùa lúa kéo dài đến tháng 10, 11 DL). Việc trồng lúa rẫy có vai trò khá quan trọng trong đời sống của người dân, từ thói quen ăn gạo rẫy, Tết lúa mới cho đến nhiều phong tục, cúng bái, kiêng cữ khác. Trước khi bắt đầu trỉa lúa rẫy, gia đình sẽ làm lễ cúng (lễ vật thường là vài con gà). Sau khi cúng xong, gà tuyệt đối không được mang vào nhà mà bắc bếp nấu nướng và ăn uống ở ngoài sân và phải ăn hết trong ngày hôm đó. Ngày hôm sau cả nhà không đi làm (tuyệt đối không được làm nhà) và không được mang tiền trong nhà ra ngoài. Sau khi phát dọn và đốt rẫy, họ trỉa lúa (đào lỗ, tra hạt). Theo phong tục, sau khi trỉa lúa xong, phần lúa giống còn thừa sẽ phải làm lễ cúng (hoặc heo hoặc gà) để đãi dân làng và phải ăn hết lúa giống còn thừa. Gia đình có thể đi làm việc khác nhưng tuyệt đối kiêng việc dựng nhà cho đến khi lúa nảy mầm thành cây lúa con (thường mất khoảng 10 ngày). Tôi có hỏi lý do vì sao cần phải kiêng cữ như vậy thì họ chỉ biết đó là phong tục phải làm theo và chốt: như vậy là không nên!

Nghi thức tang ma. So với người Kinh và một số tộc người khác, quan niệm về cái chết của người Kadong khá đơn giản, nhẹ nhàng. Và có lẽ vì vậy mà nghi lễ ma chay của họ cũng không rườm rà, phức tạp. Xem thêm chi tiết ở đây: http://dakdrinhlodge.com/vi/news/goc-trao-doi/tang-ma-cua-nguoi-kadong-60.html

(tiếp tục cập nhật ...)