Khám phá tuyến đi bộ đến Hang Én
DDL
2021-01-15T20:11:48+07:00
2021-01-15T20:11:48+07:00
https://dakdrinhlodge.com/vi/news/tinh-quang-ngai/kham-pha-tuyen-di-bo-den-hang-en-37.html
https://dakdrinhlodge.com/uploads/news/2021_01/11dji_0114.jpg
Dak Drinh Lodge
https://dakdrinhlodge.com/uploads/logo.png
Từ quốc lộ 1A, rẽ vào hướng biển Châu Me rồi cứ men theo con đường trải nhựa phẳng lì, lướt qua những nếp nhà nép dưới rừng dừa đến khi hết đường nhựa là dừng, gửi xe và bắt đầu tuyến đi bộ vào Hang Én. Hang thuộc thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, bên kia đã là đất Tam Quan của Bình Định.
Không khó khăn lắm để đi bộ qua bãi cát vàng ruộm, trèo lên đỉnh một con dốc thoai thoải, khi lưng vừa lấm tấm mồ hôi, hơi thở vừa chớm nặng nề thì mở ra ngay trước mặt là một khoảng không rộng lớn, gió biển cuộn xoáy vào gành mang theo những hạt nước li ti thốc vào mặt mát rượi, xua hết mệt nhọc.
Đứng từ trên sườn nhìn xuống là bãi đá được sóng biển bào mòn nhẵn thín qua hàng triệu năm. Trên đỉnh sườn đối diện là các tảng đá có hình con đại bàng đang quay đầu nhìn ra biển. Đi qua bãi đá là đến Hang Én. Hang rộng chừng 8m, cao 13m, dài 20m, trần hang hình vòm. Theo các nhà địa chất, hang được hình thành và phát triển dọc theo một khe nứt đứt gãy trong đá granit phức hệ Hải Vân. Giữa buồng hang là một khối đá tảng lớn. Ngay từ cửa hang bạn đã thấy mùi khăn khẳn của phân dơi. Phía trên trần hang là chi chít tổ én bám vào khe đá, và trong các hốc tối là hàng trăm con dơi đu mình lơ lửng trên trần đá.
Vốn nghĩ loài dơi kỵ nơi có ánh sáng và ồn ào nên tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện của dơi ở nơi sóng biển ầm ào suốt ngày đêm. Bỏ chút công tìm hiểu thì nhận ra đây là loài dơi chó tai ngắn (tên khoa học là Cynopterus brachyotis), có tên trong sách đỏ Việt Nam. Loài này chỉ phổ biến ở vùng Nam và Đông Nam Á, chỉ ăn hoa quả, đặc biệt là các loài cây có mùi vị hấp dẫn như chuối, xoài, vải. Vì tập tính ăn nhiều loại hoa quả nên nó có vai trò rất quan trọng trong việc phát tán thực vật. Một điểm thú vị của loài dơi này là chúng không định vị bằng sóng âm như các đồng loại mà sử dụng đôi mắt rất to và khả năng đánh mùi rất tinh của mình để xác định vị trí mồi.
May mắn là anh bạn đi cùng khá hiểu tập tính loài dơi nên dù rất muốn chụp những bức ảnh, anh cũng không tự cho phép mình dùng đèn flash mà phải gắn máy ảnh lên tripod, mở khẩu hết cỡ để cố gắng chụp được vài tấm hình mà không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bầy dơi.
Đứng từ cửa hang, gió luồn qua mát rượi, mải ngắm những đàn én ríu rít, những đoàn tàu cá ẩn hiện phía bên kia cửa hang mà như quên mất cả thời gian khi trời đã ngả bóng. Chúng tôi trở ra, leo lên đỉnh núi nhô ra phía biển, trải ra trước mắt là toàn cảnh bãi biển Châu Me chạy dài tít tắp. Không hẹn mà đứa nào cũng cố gắng hít hà chút gió biển trước khi trở về.
Hang Én còn hoang sơ, ít người biết đến. Phần lớn là các bạn trẻ địa phương rủ nhau vào khu này chơi nên cũng chưa có dịch vụ gì và cũng không có ai đi thu gom rác. Vậy nên, nếu có ghé lại thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ này, tôi tin bạn cũng có thể làm được như anh bạn kia, không làm ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của loài dơi quý hiếm và cũng đừng để lại bất kỳ mảnh rác nào.
Cần thêm thông tin về địa điểm lý thú này và những điểm dừng chân thú vị quanh khu vực Sa Huỳnh, tránh xa ồn ào phố thị, vui lòng liên hệ DDL để được chia sẻ thêm thông tin.