Dak Drinh Lodgehttp://dakdrinhlodge.com/uploads/logo.png
Phải nói ngay rằng những thông tin trong bài viết này được thu thập qua quan sát thực tế và cảm nhận cá nhân của người viết, có thể chưa chính xác và toàn diện so với với truyền thống của người Kadong. Mong được chỉ giáo thêm.
Quan niệm về cái chết
Người Kinh thường có câu “chết là hết”; nhưng thực tế dường như không phải vậy, thậm chí còn ngược lại. Không biết người Kadong có câu nói nào tương tự vậy không nhưng trên thực tế thì quả thật với họ, “chết là hết” thật.
Điều đầu tiên có thể thấy khi vào bất kỳ ngôi nhà nào của người Kadong là không bao giờ có bàn thờ, dưới mọi hình thức. Người Kinh dù theo tôn giáo nào thì thường vẫn có ban thờ ông bà tổ tiên, hoặc đơn giản là treo ảnh để tưởng nhớ. Một số đồng bào phía Bắc cũng có ban thờ dù rất đơn giản (đôi khi chỉ là mảnh giấy màu cũ mèm với vài chữ ngoằn ngoèo gì đó). Nhưng người Kadong thì tuyệt đối không có chỗ thờ cúng cố định (họ cũng không thắp nhang, kể cả trong các lễ cúng) và cũng vì vậy không có khái niệm phải làm lễ cúng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên hay người đã khuất. Chết là hết!
Cụ thể hơn, họ không có tục làm ‘giỗ’ như người Kinh. Họ quan niệm người chết là thành ma (không có thiên đàng hay cõi niết bàn, cũng không có địa ngục hay tương tự vậy; cái này chắc phải tìm hiểu thêm về thế giới quan, vũ trụ quan của người Kadong mới rõ được) và không ai tưởng nhớ con ma làm gì. Tuyệt đối không bao giờ tổ chức giỗ chạp, thanh minh như người Kinh. Chỉ khi cúng lúa mới thì có mời con ma về nhà ăn cơm mới (còn các hình thức cúng ma khác thường diễn ra ở suối (ma nước) hoặc ngã ba đường, hoặc trên đỉnh đồi).
Người chết cũng gần như ‘biến mất’ trong những câu chuyện của người sống. Không ai nhắc đến tên nữa. Hết thật! Đơn giản vậy thôi.
Lễ tang
Có thể thấy quan niệm về cái chết của người Kadong đơn giản và khá nhẹ nhàng nên lễ tang của họ cũng không cầu kỳ, nặng nề. Nghe kể, trước đây người chết thường được chôn luôn trong ngày; nhưng gần đây, có sự giao thoa văn hoá với người Kinh nên họ cho rằng nên để người chết ở nhà một đêm cho ấm cúng. Đêm đó, người thân, bà con hàng xóm sẽ tập trung rất đông để chia buồn với tang quyến; các bà các chị thay nhau tỉ tê khóc, thanh niên gầy sòng đánh bài giết thời gian, một số thì gầy độ nhậu.
Vật phẩm chia buồn với tang quyến rất đa dạng. Có khi hàng xóm chủ động góp gạo, góp tiền (để giết heo gà cúng & chi tiêu); đi viếng cũng có khi là những thứ họ hay dùng hàng ngày (trầu, thuốc lá, rượu). Gần đây thì một số người viếng tiền mặt (đưa trực tiếp cho gia chủ); và ở vài nơi họ cũng đã bắt đầu thắp nhang như người Kinh.
Đến giờ thì chưa thấy người Kadong có các thủ tục xem ngày giờ tốt xấu hay cho các khâu nhập quan, thành phục, di quan, hạ huyệt. Người chết được đặt nằm giữa nhà. Mọi người đến viếng ngồi xung quanh nói chuyện, khóc hờ. Sáng hôm sau, mọi người làm heo, bò rồi ăn uống xong là đặt người chết và áo quan là di quan luôn.
Họ cũng không có khái niệm về phong thuỷ, chọn hướng để chôn người chết. Mang áo quan ra chỗ định chôn, thanh niên trong làng mới xúm vào dọn cỏ, phát cây, đào huyệt. Trước khi chôn, người chết được người nhà cho ‘ăn phép’ bữa cơm cuối cùng; sau đó đóng nắp áo quan là hạ huyệt.
Vì không có tục thanh minh, tảo mộ nên những ngôi mộ người chết bị lãng quên, lau sậy mọc bít bùng. Gần đây, sự ‘bắt chước’ người Kinh nên họ đã làm nhà mồ cho người chết (thường là mái để che mưa nắng); không có bia mộ gì. Dựng xong nhà mồ là hết, thậm chí vài nơi còn có tục đi chôn 1 đường, lúc về đường khác để con ma không theo về nhà. Những người đi đưa tang cũng kiêng không về nhà mình bằng cửa chính mà vòng vào từ cửa bếp.
Tục ‘chia của’
Đâu đó có những ý kiến cho rằng ‘tục chia của’ của người Kadong là hủ tục và cần phải bỏ. Cá nhân người viết thấy bình thường, thậm chí tục này còn có nét nhân văn trong đó. Người chết sẽ được chia tất cả của cải trong nhà (thường là vật dụng hàng ngày, từ xoong nồi, chén bát, quần áo, chăn gối, thau chậu, gà vịt, thậm chí thỉnh thoảng có cả xe máy).
Một số gia đình nghèo quá thì lúc chết chỉ được chia vài cái chén, đôi đũa với con gà thôi. Gia đình nào khá hơn thì mua đồ mới về chia cho người chết. Đồ mang chia cho người chết sẽ được chôn cùng hoặc để trên một cái kệ gần mộ. Tất cả những đồ vật này sẽ được đập vỡ, làm hỏng, hoặc cắt ra một mẩu để chia cho những con ma ở xung quanh (họ gọi là ‘lì xì’). Họ quan niệm như vậy thì con ma nhà mình sẽ hoà nhập với những con ma trước. Tính cố kết cộng đồng của họ thể hiện ngay cả khi thành ma.
Chỉ có điều đáng tiếc là những bộ chiêng quý hiếm trước đây bị chia vài chiếc cho người chết thì bộ chiêng sẽ mất đi sự hoàn chỉnh mà những chiếc bổ sung mới cũng không lấp đầy được.
Tính cố kết cộng đồng
Tôi đoan chắc thời chưa xa lắm, tính cố kết cộng đồng của các tộc người ở Việt Nam mình đều mạnh mẽ, nhất là vùng nông thôn. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà! Nhưng điều này đã và đang thay đổi nhanh quá; nhất là khi mọi dịch vụ đang rất chuyên nghiệp và cần là có, trong đó có dịch vụ tang lễ. Nhưng với người Kadong thì tính cộng đồng vẫn còn khá chặt; họ vẫn có xu hướng sống quây quần thành cụm và nhà nào có công việc thì hàng xóm tự động xúm vào giúp. Một cách rất tự nhiên, không cần ai lên tiếng nhờ vả.
Đêm trước khi chôn, gần như tất cả mọi người trong xóm đều tập trung đến tang quyến chơi để thức đêm với người chết. Sáu ngày (chưa hiểu tại sao là 6) sau khi chôn thì tất cả con cháu phải ở lại nhà người chết, và đêm nào hàng xóm cũng tập trung lại chơi với gia đình. Đến đêm thứ 6 tổ chức cúng ma là chính thức xong. Cá nhân thấy việc hàng xóm tập trung lại giúp đỡ nhau rất hay và đáng quý, nhất là trong những điều kiện còn thiếu thốn về vật chất và tiện nghi.
Mở ngoặc lưu ý: Những đêm này đến chơi đều được mời ăn và uống rượu, gọi là ăn phép, và không nên từ chối. Trước khi ăn hoặc uống nên bỏ ít thức ăn và rót rượu xuống dưới sàn cho con ma ăn trước.
Lời kết
Không triết lý cao siêu, cũng chẳng được tiếp cận với những khái niệm to tát, khoa học xa xôi, người Kadong hiển hiện thực hành một quan niệm về cái chết đơn giản, nhẹ nhàng & siêu thoát. Cá nhân người viết cho rằng đó là quan niệm hay.
Lan man về những ý kiến nhận xét của người ngoài cuộc. Cũng như nhiều phong tục hay sự kiện mang tính văn hoá bản địa khác, trước khi đưa ra những nhận xét thì hãy quan sát thật toàn diện, suy nghĩ thấu đáo và đặt mình trong vị thế của họ rồi hãy buông lời, nghĩa là nói một cách có trách nhiệm ấy vậy.